VAR và những tranh cãi không hồi kết



Từ sai lầm, tới chuộc lỗi, từ siêu phẩm, người hùng tới những tranh cãi nổ ra sau trận đều xuất hiện ở trận cầu đinh của bảng B. Đó là pha ngã vờ của Ronaldo, tình huống bắt bóng lóng ngóng của De Gea, đó là cú đúp của Costa, tình huống sửa sai bằng cú sút mu lai má ngoài của Nacho, và là cả tình huống sút phạt thành bàn không thể cản phá ở phút 88 của CR7. Tất cả đã làm nên một cuộc thư hùng đáng nhớ, ngay từ trận đấu thứ 4 của World Cup 2018.

VAR và những tranh cãi không hồi kết

Có lẽ sau khi ngày hội tại Nga kết thúc vào trung tuần tháng 7, những fan bóng đá trên toàn thế giới sẽ quen dần với thao tác đóng khung chữ nhật của các trọng tài mỗi khi có tình huống tranh cãi phát sinh.

Việc áp dụng VAR nhằm mục đích đem lại sự công bằng cho các đội bóng, bằng cách sửa những "lỗi sai rõ ràng" đã được quyết định từ trước, bao gồm 4 trường hợp cơ bản: công nhận/phủ nhận bàn thắng, penalty, thẻ đỏ và những pha phạm lỗi đặc biệt khác.
Giây phút lịch sử của bóng đá thế giới, khi VAR được sử dụng lần đầu tại 1 kì World Cup


Trận đấu giữa Pháp và Úc là trận đấu mang tính lịch sử của bóng đá thế giới vì đây là trận đấu đầu tiên, VAR được sử dụng trong một kì World Cup. Đó là tình huống mà Risdon xoạc bóng với Griezmann sau đường chọc khe của Pogba, ông Cunha đã phải tìm đến sự trợ giúp của công nghệ. Trợ lí trọng tài video đã đưa đến quyết định chính xác.

Tuy nhiên, điều đặc biệt là vì đây là công nghệ hỗ trợ, nên dù được thông báo xem lại tình huống qua bộ đàm, "các vị vua áo đen" có quyền sử dụng hoặc không.
Tình huống Ronaldo "bay giữa ngân hà", VAR lại không xuất hiện?


Chính điều này đã gây ra ít nhiều tranh cãi như VAR không được sử dụng khi Ronaldo "ngã vờ", hay trường hợp của Harry Kane, dù bị phạm lỗi tới 2 lần trong trận gặp Tunisia, nhưng không hề được trọng tài cho hưởng phạt đền.

Việc trợ lí trọng tài video này có thực sự cần thiết, và có thể phá vỡ mạch cảm xúc liên tục của khán giả khi theo dõi trận đấu sẽ còn là chủ đề bàn tán trong suốt cả mùa World Cup lần này.

Những cơn địa chấn liên tiếp nổ ra

Bóng đá luôn tồn tại những bất ngờ, nhưng ít ai nghĩ tại giải đấu cao nhất cho cấp đội tuyển quốc gia lần này, những "cú sốc" lại được tạo ra nhiều đến thế.

Ngoại trừ trận khai mạc kết thúc với tỉ số chênh lệch, những trận đấu còn lại luôn khiến cho nhiều NHM không khỏi ngạc nhiên trước kết quả chung cuộc. Dù có những cặp đấu không được "cân kèo", song những ông lớn, hoặc phải không thể chiến thắng, hoặc sẽ rất vất vả mới có được 3 điểm.
Messi sút trượt penalty khiến "gã khổng lồ" Nam Mỹ bị cầm chân bởi đội bóng tí hon Iceland


Uruguay phải đợi đến phút 89 mới được hưởng niềm vui từ pha làm bàn duy nhất của Gimenez, Anh thắng nhọc trước Tunisia ở phút 90+1, và kể cả đến Bỉ, dù có chiến thắng 3 "sao" trước Panama nhưng cũng phải đợi đến phút xuất thần từ Mertens mới có thể có thế trận dễ thở hơn.

Nhưng sự thú vị bắt đầu từ việc đội bóng "tí hon" Iceland tạo nên cơn địa chấn khi cầm hòa được ứng cử viên vô địch Argentina trong một ngày Messi không thể hạ gục được thủ môn kiêm... đạo diễn phim Halldorsson. Brazil sau đó cũng gặp khó khăn khi để Thụy Sĩ chia điểm dù đã chơi lấn lướt ở phần lớn thời gian hiệp 1. Và cú sốc lớn nhất là việc ĐKVĐ - tuyển Đức, thua tâm phục khẩu phục trước một Mexico chơi chắc chắn, kỉ luật, thông minh và phản công sắc bén.

Nhận xét